Tiếng quạ kêu sương – Tác giả: Ngọc Hà. Lời bình: Trịnh Thu Tuyết. Giiọng đọc: Diệu Hương. Thiết kế hình ảnh và âm thanh: Hồ Huy.
Lớn lên một chút, tôi thấm dần từng nỗi mất mát, đau thương. Bà nội tôi một đời lọ mọ, đầu tắt mặt tối chu toàn cho chồng cho con nên khi về già, lưng bà còng rạp xuống. Bà hiền từ, nhân hậu đến ngờ nghệch. Nhưng trời vẫn chẳng tha những tội lỗi ở một kiếp nào đó xa xưa nên hành bà chí mạng. Bà ốm liệt giường suốt mấy năm trời rồi mới nhắm mắt xuôi tay, bỏ lại ông nội tôi ngác ngác ngơ ngơ mỗi lần nghe quạ khóc…
Lời bình
Đọc và đồng cảm với một bài viết cũng tựa như gặp một người bạn, nhiều khi không có nguyên nhân, nhiều khi vượt ra ngoài mọi suy lý ở đời, chỉ biết tự nhiên, đúng lúc ấy, chợt có cái gì như một chút hẫng trong lòng, vì sự khơi thức mơ hồ, xa xăm nào đó… Chiều đông lạnh, thờ ơ lướt mạng, bắt gặp bài viết mà hình như đã đọc hồi nào trên Tản văn hay, nhưng khi ấy, ý tình mơ hồ và âm thanh tiếng quạ đơn lẻ chưa thực sự chạm vào tâm trí.
Chỉ tới chiều nay, khi trời Hà Nội lạnh khô heo hút, vòm cổ thụ bên đường xơ xác khẳng khiu, đường vắng hoang vu trong cái co ro, hối hả của ai nấy vội vã về nhà, tiếng quạ lạc loài, cô độc trong bài viết của một cô gái còn quá trẻ để có thể biết thương một tiếng quạ buồn mới chợt thấm vào tiềm thức của một kẻ đã cặm cụi đi qua tuổi trẻ của mình rất lâu, tưởng đã quên hết, và chợt nhớ lại tất cả…
Thấy nhớ thế giới ngàn năm của Trương Kế trong tứ thơ đẹp âm u và buồn thê thiết với “Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên – Giang phong ngư hỏa đối sầu miên”… Nhớ bức thi họa vĩnh hằng của Basho “Trên cành khô /cánh quạ đậu /chiều thu” – cánh quạ nhỏ bé, tối thẫm, đậu im lìm như một nét chấm phá tĩnh vật trên cành cây khô xác, không sự sống, giữa chiều thu bàng bạc mênh mông… Và những kí ức buồn bã cả về tiếng lẫn hình của một loài chim cô độc, bị con người ruồng bỏ, xa lánh, ghê sợ…bỗng trở lại trong sự cộng hưởng thấm thía với Tiếng quạ kêu sương của tác giả Ngọc Hà.
Bài viết giản dị và chân thật trong từng xúc cảm và suy ngẫm, dòng tự sự miên man trôi chảy từ những mơ hồ ngày thơ ấu tới những chiêm nghiệm thấm đẫm vị thiền, từ cõi vô minh tới sự giác ngộ… Những thay đổi trong xúc cảm và nhận thức của bài viết rất dễ tìm được sự đồng cảm tự nhiên, nhất là không hề khiến người chia sẻ có cảm giác đang bị thuyết phục bằng lý trí, cứ tự nhiên nhi nhiên, như sự vốn phải thế…
Những thay đổi ấy xuất phát chính từ trải nghiệm của tác giả, đặc biệt là sau “một cơn bão lớn” khiến người “xác xơ bầm dập”…, và điều kì lạ là những đốn ngộ đột nhiên minh triết ngay từ những mông lung rối loạn của cảm xúc – từ ấn tượng mang định kiến về tiếng kêu của một loài chim đen đủi đến sự bối rối không thể phân định “tiếng quạ kia là điềm gở hay điềm lành… sự chấm dứt kiếp này là kết thúc hay chính là sự khởi đầu…”, tác giả đã không nhắn nhủ, không khuyên răn, không gửi gắm thông điệp về tiếng quạ, chỉ dịu dàng sẻ chia những cảm nhận, chiêm nghiệm, thật như cuộc đời này, cái thật rất mơ hồ của “tiếng quạ kêu sương”.
Và có thể từ tản văn dịu dàng này, ai đó sẽ bước ra khỏi cõi vô minh của thế giới ngỡ đã phân định rạch ròi, để thấy cõi thăm thẳm mơ hồ nhòa nhạt, như tiếng quạ khắc khoải trong sương buồn…
Trịnh Thu Tuyết
Podcast: Play in new window | Download