Phú Quang (13 tháng 10 năm 1949 – 8 tháng 12 năm 2021), tên đầy đủ Nguyễn Phú Quang, là một nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam.
Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca, những bài hát trữ tình viết về Hà Nội. Ngoài ra, ông còn sáng tác khí nhạc (nổi bật là “Khát vọng” và “Tình Yêu Của Biển”) và nhạc phim (Bao giờ cho đến tháng Mười, Vị đắng tình yêu).

Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ, quê gốc làng Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, có nhà ở phố Khâm Thiên. Phú Quang không biết chính xác ngày sinh của mình bởi sau khi sinh ông được khoảng 3 tháng, mẹ ông mới đi làm Giấy khai sinh cho ông và lấy ngày 13/10/1949 là ngày sinh. Về sau này, Phú quang đã sáng tác bài “Sinh nhật đen” để nói về ngày sinh nhật của chính mình.

  • Năm lên 5 tuổi, ông theo gia đình về Hà Nội. 36 tuổi vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và năm 2008 (59 tuổi) trở lại Hà Nội.
  • Năm 1967: Tốt nghiệp tại Nhạc viện Hà Nội hệ trung cấp kèn Cor
  • Từ năm 1967 đến 1978: Công tác tại Nhà hát Giao hưởng – Hợp xướng – Nhạc vũ kịch Việt Nam.
  • Năm 1978: Học tại Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc.
  • Năm 1982: Tốt nghiệp, về công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
  • Năm 1986: Chuyển về Phòng ca múa nhạc, Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Năm 1994: Chuyển về Nhà hát Giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Năm 2004: Thành lập Công ty Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Phú Quang.
  • Theo danh ca Khánh Ly, người hát hay nhất nhạc của Phú Quang là nữ ca sĩ nhạc nhẹ của thập niên 90, Thu Phương.

(Nguồn Wikipedia)

Tản văn Hà Nội Phú Quang là một tác phẩm của tác giả Hồ Huy tham dự cuộc thi viết Hà Nội và tôi do tạp chí Người Hà Nội tổ chức năm 2022 và Diệu Hương – một giọng đọc được nhiều bạn nghe mến mộ đã thể hiện rất thành công tác phẩm này khi tản văn được chuyển thể qua video cũng như trên các nền tảng Podcast của Tản Văn Hay.

 

Đêm đã hồng lên đôi môi em loài sen một thủa. Mùa hạ hối hả chào đời bằng tiếng mưa xanh non, tơ non, chồi non. Đêm hoàng lan cài vào trời khuya, gài vào đêm khuya, tôi khuya, em khuya, ai kia còn khuya? Búp mưa song thưa, đường thưa, phố xưa. Hà Nội đã Phú Quang trên những phiến vui buồn đại lộ, khi tôi yêu em, khi ai thương em, khi đêm nay đêm mai ngõ nhỏ phố nhỏ. Hà Nội dương cầm.

Đã đôi lần trở về Hà Nội. Hình như chưa từng ai trở lại Hà Nội bao giờ? Từ góc lượn của bên này hồ, nhìn lãng đãng thời gian bàng bạc trên chiếc đồng hồ bưu điện bên kia, có cảm giác tôi thấy, Hà Nội như một cây dương cầm. Và phố và em, ta còn em.

Đã tự bao giờ, hay đã tự lâu rồi, công dân thành phố, người ở xa về thành phố, cả những người chưa một lần về thành phố cứ ngỡ mình đã sinh ra và lớn lên ở một con phố nhỏ, ở một con ngõ nhỏ mà cõi lòng thênh thang câu hát. Nơi tôi sinh…Và cứ thế Hà Nội trở thành quê hương, một thứ quê hương đau đáu, Hà Nội ơi, mỗi khi…Sự xác xơ cõi lòng của người nhạc sỹ tài hoa đã tạc khắc một tượng đài nỗi nhớ và sự trở về trong triệu triệu trái tim người. Thêm một lần tôi nghe, thêm nhiều lần tôi thấy cây dương cầm rung lên nức nở, một Hà Nội Phú Quang.

Hình như ở một góc phố nào đó, bên những ô cửa nào đó vẫn thấp thoáng bóng dáng người nhạc sỹ thủ đô, đổ thanh âm vào cảm xúc, dẫn dắt người ta nhớ Hà Nội, yêu Hà Nội bằng những hình hài ngọt ngào đến vi tế. Hà Nội Phú Quang đôi khi chỉ là một chút bóng đêm riêng mình.

Người ta cũng cũng sẽ dịu dàng qua những phố đông người, qua những phố tan tầm, qua những khói bụi ngột ngạt, qua những bon chen nhỏ nhen đèn xanh đèn đỏ. Hà Nội vẫn như cây dương cầm ve vuốt tình yêu của ông cụ, của bà cụ, của bác xích lô, của chị hàng nước, của cả hoa đêm, bay lên, những loài chưa gọi được tên, hiền lành và tha thiết: em ơi Hà Nội phố.

Những giai điệu tưởng như bình dân nhất Hà thành lại cho con người ta cái quyền tự đóng khung, tự tạc khắc, tự tô màu, tự yêu thương một Hà Nội của riêng mình. Nói là riêng vậy nhưng vô hình trung có vẻ như người ta lại xích lại gần nhau hơn bởi bởi một nét nhạc mảnh mai quá đỗi ngọt ngào: ta còn em.

Thì ra Hà Nội luôn là tình yêu, Hà Nội không tuổi, Hà Nội đã là hào hoa thì tình yêu nam nữ kia cũng chẳng phải là một phần của tình yêu Hà Nội đó sao. Mùa hạ xanh non, mùa hạ qua đi. Mùa Thu êm ru, mùa đông và những mùa đông biết bao lần tôi đi qua những con phố nhỏ, người nghệ sỹ đã tạo nên những lát cắt phố phường bằng âm nhạc. Lạ kỳ thay, thứ thanh âm dẫn dắt tôi vào những địa đồ cảm xúc. Và hình như, ngay cả một người đàn ông nào chưa từng xảy ra một mối tình nào ở phố phường băm sáu, thì mỗi khi một mình phố khuya, đường khuya, tôi dám chắc cũng đôi khi: ta còn em mùi hoa sữa. Hà Nội Phú Quang.

Hẳn là như thế. Một Hà Nội Phú Quang đã tự bao giờ. Một tình yêu Hà Nội đã tự bao giờ chảy trong những câu hát? Tôi còn nhớ, như nỗi nhớ về một bản tình ca của riêng mình. Năm ấy, vì một biến động trong cuộc đời mà tôi phải rời xa Hà Nội. Cũng là một buổi đêm, ánh đèn vàng cô đơn chôn nỗi buồn xuống phố. Tôi lặng bước trên những con đường không tuổi và biết đâu có cả những con phố nhỏ, những con ngõ nhỏ không tên. Và khi chưa kịp xa Hà Nội thì cõi lòng tôi đã rung lên nức nở: Hà Nội ơi mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về…

Những ca từ cứ hối thúc thanh âm, tan chảy vào từng tế bào, để rồi có một niềm thương, một nỗi cô đơn, một sự tủi thân nào đó đang mách bảo tôi về một Hà Nội chia lìa, một Hà Nội của những ngày sẽ gặp lại trong tưởng tưởng. Âm nhạc và khi đó chỉ còn âm nhạc lan tỏa trong không gian hoài nhớ, một không gian mà cảm giác người nhạc sỹ đã cho phép tôi hình dung Hà Nội một bên và nỗi nhớ tôi nghẹn ngào một bên. Hà Nội Phú Quang. Thì ra Hà Nội đã Hà Nội từ bao giờ, thì ra Hà Nội đã Phú Quang tự bao giờ. Ấy là khi cánh sinh viên chúng tôi cứ ôm lấy cây đàn guitar mà nghêu ngao dọc những giảng đường đại học, dọc những hành lang, ban công ký túc xá, dọc những câu chuyện tình anh yêu em, nơi ấy có hoa hoàng lan.

Cũng đã từ lâu rồi, khu ký túc xá Mễ Trì ngày xưa không còn nguyên vẹn như trong những hồi tưởng của tôi nữa. Hà Nội đã quá nhiều đổi thay. Mùa thu đã đổi thay, mùa đông đã đổi thay, em đã đổi thay… nhưng những câu hát và bản nhạc chẳng đổi thay bao giờ…
Một sớm mùa thu, khi bình minh còn đang treo lơ lửng trên cây cầu sắt vắt qua sông Hồng 3 thế kỷ, tôi lặng lẽ trở về Hà Nội. Có một cảm xúc chẳng thể gọi tên cứ thế lớn dần và quẫy đạp trong tôi. Hà Nội, những con phố, mùi hương hoa sữa, tình yêu… đang cựa quậy trong mỗi tế bào.

Giữa cuộc đời bộn bề, yêu lắm thay những khi sự tình cờ như là sắp đặt. Sự tình cờ của tôi giữa buổi ban mai mùa thu ấy là ở phía trước tôi có một bác trai mái tóc bạc phơ đang đạp xe đạp (hình như là ông tập thể dục) trên ghi đông xe có treo cái đài nhỏ. Và đặc biệt đúng lúc tôi ngang qua thì từ chiếc radio nhỏ bé kia đang “Vội vã trở về, vội vã ra đi Chẳng thể nào qua hết từng con phố Nhưng còn đó mùa thu, mùa thu đầy gió Và rêu xanh bên những gốc cây già…” Âm nhạc của Phú Quang dường như đang nương náu vào mỗi thân cầu, mỗi nhịp cầu để một đứa là tôi xém bật khóc.

Từ lúc ấy, từ câu hát ấy, từ trong chuỗi âm thanh ấy, hồn tôi đã ở một nơi từ lâu lắm rồi mà âm nhạc ký thác. Dòng sông Hồng đang âm thầm chảy, Hà Nội cũng đang âm thầm chảy và dường như những giai điệu Phú Quang đã bao bọc lấy trái tim tôi những cung điệu ngẩn ngơ thế kỷ. Cây cầu thế kỷ, dòng sông thế kỷ và tình yêu Hà Nội cũng thế kỷ hơn bao giờ hết. Hà Nội Phú Quang.

Tôi đã trở về, tôi đã ra đi, tôi đã sông Hồng mấy bận, mà lần nào cũng vậy lòng tôi không ngân lên một vài câu hát. Ấy là khi cảm giác Hà Nội ruột thịt hơn, ấy là khi cảm giác con người ta gần với nhau hơn , đáng yêu biết bao nhiêu ở mỗi góc phố này, ở mỗi con đường này, thì em ơi vẫn là thế “ta còn em mùi hoàng lan”. Và giá như một lần nào đó trở về Hà Nội, tôi lại vô tình nghe được những thanh âm phát ra từ một chiếc radio nhỏ: “Vội vã trở về vội vã ra đi”, thêm một lần nữa, thì hẳn cuộc đời tôi cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Một Hà Nội Phú Quang!

Hồ Huy