Một sáng tác mới của tác giả Mộc Nhiên đã chiếm được tình cảm của rất nhiều bạn đọc, ấy là tản văn: Có gì nơi túi áo của mẹ. Tiến sỹ văn học Trịnh Thu Tuyết đã gọi đó là Thế giới yêu thương trong ngần…

Tôi nhớ một chi tiết rất ấn tượng trong truyện ngắn của Nga, đọc từ thuở nhỏ: một phụ nữ nông dân nghèo, được con mua tặng chiếc khăn vuông trùm đầu – bà chỉ dám trùm mặt trái ra ngoài vì sợ mưa nắng làm phai bạc chiếc khăn, cứ để dành mặt phải cho mới, tâm niệm khi nào cần sẽ dùng – năm tháng cứ trôi qua, bà đã già, vẫn nâng niu chiếc khăn mặt trái đã bạc hơn cả thời gian, mặt phải vẫn chưa một lần được dùng. Tới khi bà mất, người con trai quàng cho mẹ chiếc khăn mẹ yêu quý nhất, anh khóc khi nhìn thấy mặt phải chiếc khăn còn mới nguyên như ngày anh mới mua tặng mẹ!

Chi tiết về chiếc khăn của người phụ nữ Nga ấy cứ ám ảnh tôi suốt cả thời niên thiếu, cho tới bây giờ, thảng hoặc vẫn trở về, và khi đọc bài viết của Mộc Nhiên, tôi lại nhớ tới chi tiết ấy – cả sự nghèo khổ và tình yêu thương mẹ dành cho con đều thấm đẫm trong hình ảnh chiếc khăn mặt bạc mặt mới, chiếc túi áo mặt mới mặt bạc, tựa cái túi hồ lô chứa đựng cả thế giới mênh mang của lòng mẹ!

Quá nhiều tác phẩm viết về mẹ – đề tài dễ chạm vào nơi mềm yếu nhất của tất cả, bởi trước khi là con người, chúng ta đều là những người con của mẹ! Mộc Nhiên đã bắt đầu từ chi tiết chiếc túi áo, từ đó mở ra miên man những xúc cảm, suy tư, trôi chảy theo dòng kí ức khi trong trẻo, xúc động về tình mẹ.

Người đọc không khó nhận ra dụng ý của Mộc Nhiên khi tạo sự tương phản vừa sâu sắc, vừa dễ khiến nghẹn ngào về hai hình ảnh lặp lại nhiều lần trong bài: “khoảng vải được vuông túi bao bọc quanh năm vẫn còn như mới nổi bật trên nền áo đang dãi dầu bạc thếch”/ “chiếc áo mẹ bạc tới độ chẳng nhận ra mầu mà bên trong chiếc túi vẫn còn như mới”… Đó là sự tương phản giữa những gieo neo đói nghèo, gian khó, giữa những đen bạc của đời, của người, giữa cái dằng dặc khắc nghiệt của thời gian – sự khắc nghiệt có thể bào mòn tất cả, cuốn trôi tất cả… với tình yêu luôn vẹn nguyên, ăm ắp, vô cùng vô tận như “nước trong nguồn” mẹ dành cho con.

Hình ảnh mẹ con đàn chim sâu ríu rít cũng dễ gợi liên tưởng tới sự phân thân ứng chiếu song hành ấm áp xúc động với con người – hóa ra tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng của muôn loài, là tình yêu vô hạn vô biên làm nên vẻ đẹp của sự tồn tại, ấp ủ, sinh sôi, phát triển không cùng của thế giới… Đây là thủ pháp nghệ thuật được Mộc Nhiên sử dụng đắc địa trong bài viết của mình, thủ pháp rất dễ bị khiên cưỡng nếu không cao tay, mà thực ra sự cao tay không bằng thật lòng. Khi xuất phát từ tình yêu, lòng biết ơn sâu nặng với đấng sinh thành, văn chương tự nó đẹp, hay và từng câu chữ thấm thía vào lòng người. Thêm nữa, hình ảnh mẹ con chim sâu hiện ra từ trong kí ức chân thực của người viết, với những chi tiết trong vắt, ngây thơ từ sự quan sát và lưu giữ của một đứa trẻ như “cây ngái dại mọc tốt um nơi góc bờ rào, có tổ chim sâu đính vào đôi ba chiếc lá…”/ “mẹ vặt chùm nho thóc tím lịm hay chùm dâu chín mang về, chín tới thẫm đen và phai cả màu ra túi áo mẹ”…

Các hình ảnh được Mộc Nhiên đưa vào bài đều là kết quả của sự quan sát tinh tế, tình cảm sâu nặng và suy tư sâu sắc. Tôi ấn tượng với văn phong vừa trong trẻo, tinh tế, vừa rất sâu sắc, tình cảm của Mộc Nhiên, ví như câu: “Có những đêm, ánh trăng giàn giụa khắp sân nhà như ngấm phải vị cay của dầu gió” – tôi như nhìn thấy nước mắt của người con, ngửi thấy mùi dầu gió của người mẹ, cảm nhận được sự vất vả nhọc nhằn của mẹ và tình thương tha thiết của con…

Đọc tản văn của Mộc Nhiên, tôi hay nhớ tới chi tiết Hoàng tử bé buồn bã nhận xét: “Ông nói như các người lớn ấy” – và thầm mong văn chương cứ giữ cho mình sự trong ngần thơ trẻ ngay trong những suy tư già dặn – đừng già cỗi bởi thế giới toan tính của “các người lớn”! Phần nào, văn của Mộc vẫn giữ được sự thơ trẻ – già dặn ấy!

Trịnh Thu Tuyết

Podcast được thực hiện bởi Hồ Huy và Hồ Nữ Thị.